Cuộc sống ngày càng hiện đại sẽ kéo theo sự phát triển của các thiết bị công nghệ số. Lợi ích mà công nghệ số đem lại cho con người rất nhiều, nhưng cũng để lại nhiều mặt trái nếu như chúng ta không sử dụng thiết bị đúng cách.
Ngày nay, các thiết bị công nghệ, đặc biệt là hầu hết những chiếc điện thoại thông minh đều hiện diện trong mỗi gia đình. Không thể phủ nhận nhiều tiện ích mà điện thoại thông minh mang lại, nhưng cũng chính cách sử dụng không kiểm soát, lạm dụng quá nhiều vào các ứng dụng trên điện thoại, đã làm những cuộc hàn huyên trực tiếp ngày càng vơi dần, khiến cho sự gắn kết giữa những người thân trong gia đình, bạn bè trở nên rời rạc.
Nhiều tiện ích
Công việc đặc thù trong ngành xây dựng phải di chuyển đến nhiều tỉnh, thành, nên anh Lê Thành Nam, ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) không có nhiều thời gian để gần bên gia đình. Tuy nhiên, mỗi ngày, anh Nam đều gọi điện thoại qua ứng dụng Zalo để trò chuyện cùng người thân. Anh Nam chia sẻ, dẫu làm việc xa gia đình, nhưng nhờ có chiếc điện thoại thông minh làm phương tiện kết nối, nên tôi vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy cha mẹ, cùng trò chuyện, hỏi han sức khỏe lẫn nhau sau một ngày dài làm việc. Nhờ đó, giúp tôi khuây khỏa nỗi nhớ, cũng như an tâm, có động lực làm việc hơn khi xa nhà.
Vừa tương tác với khách hàng trên ứng dụng Facebook từ chiếc điện thoại thông minh, chị Huỳnh Thị Phường, ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) vừa cho biết, nhờ có công nghệ số, mà công việc kinh doanh mặt hàng thời trang của tôi được thuận lợi. Tôi vẫn có thể tiếp cận, quảng bá sản phẩm đến với nhiều khách hàng ở xa và mở rộng các mối quan hệ với đối tác mà khoảng cách địa lý không còn là trở ngại. Mỗi ngày, tôi dành phần lớn thời gian sử dụng điện thoại để tương tác, trao đổi thông tin sản phẩm với khách hàng. Nhờ có công nghệ số, tôi chỉ cần ngồi tại nhà đã tiếp cận với cả những khách hàng ở nước ngoài, nên công việc kinh doanh của tôi ngày càng phát triển.
“Công nghệ số sẽ không ngừng phát triển, xã hội sẽ ngày càng văn minh, thịnh vượng nếu như mỗi người biết cách phát huy thế mạnh của công nghệ, sử dụng công nghệ một cách hợp lý, hiệu quả. Những ai lệ thuộc vào công nghệ quá mức cũng cần phải suy nghĩ lại, vì thiết bị công nghệ cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, phục vụ đời sống của con người. Do đó, thay vì chăm chăm vào các thiết bị thông minh, mỗi người hãy tăng cường giao tiếp trực tiếp, hãy lắng nghe, kết nối cảm xúc, vun đắp cho hạnh phúc bền lâu. Bởi vì, chỉ có trái tim mới có thể kết nối được trái tim”.
Tiến sĩ Tâm lý – Giáo dục NGÔ THỊ KIM NGỌC
Cần sử dụng đúng cách
Mỗi người cầm khư khư trên tay một chiếc điện thoại là hình ảnh dễ thấy trong các gia đình trẻ hay tại các quán cà phê, trà sữa dành cho “tuổi teen”. Việc sử dụng điện thoại mọi lúc, mọi nơi đã vô hình phá vỡ sự gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè với nhau.
“Chỉ cần để quên điện thoại ở nhà là em đã thấy bản thân khó chịu, em hầu như không thể rời khỏi điện thoại”, em H.T.K.T, sinh viên Trường Đại học Tài chính – Kế toán, đã chia sẻ với chúng tôi như thế. Theo em H.T.K.T, ngày trước, em cũng chưa biết các ứng dụng Facebook, Zalo. Sau đó, bản thân em cũng thử tham gia các trang mạng xã hội, nào ngờ em lại cảm thấy rất thích thú. Mỗi ngày, em có thể lướt điện thoại hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán, dù biết là không tốt nhưng em chưa thể hạn chế được việc dùng điện thoại.
Anh Tiêu Thanh Bình, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) thừa nhận mình là người từng “nghiện” điện thoại, anh có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để chơi games. Do đó, anh ít khi trò chuyện với vợ, con, nên những cuộc cãi vã trong gia đình thường xuyên xảy ra. Từ ngày nhìn nhận được cái sai và chủ động điều tiết thời gian sử dụng điện thoại, tình cảm của gia đình anh Bình thêm bền chặt. “Từ ngày bản thân tôi kiểm soát được việc dùng điện thoại, tôi mới nhận ra mình thật sự đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian bên gia đình của mình. Nói như vậy, không phải công nghệ số là không tốt, mà do tôi sử dụng sai cách đã gây nên nhiều mặt tiêu cực. Bây giờ, thay vì dùng điện thoại cho những việc không cần thiết, tôi lại dành thời gian cho vợ, con của mình, nhờ đó, gia đình tôi ngày càng hạnh phúc”, anh Bình bày tỏ.
Trước đây, anh Trần Ngọc Hưng, ở phường Trần Phú thường có thói quen cho các con xem điện thoại, kể cả trong lúc ăn cơm. Khi các con nghịch ngợm, anh Hưng chỉ cần đưa chiếc điện thoại là các con trở nên ngoan ngoãn. Lâu dần, các con trở nên thụ động, ít giao tiếp. Thấy vậy, anh Hưng đã dành thời gian trò chuyện, cùng các con thả diều, đạp xe, dạo mát. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, các con của anh Hưng đã không còn đòi xem điện thoại, mà thích thú hơn với việc được trải nghiệm các trò chơi cùng cha mẹ. Thấy các con ngoan hơn, học hành tiến bộ hơn, anh Hưng cảm thấy rất vui.
Theo Tiến sĩ Tâm lý – Giáo dục Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), công nghệ số phát triển đem lại nhiều tiện ích cho con người trong đời sống cũng như trong công việc, giúp con người kết nối với nhau dù cách trở địa lý. Tuy nhiên, khi những khoảng cách xa không còn là giới hạn, thì những khoảng cách gần, hay thậm chí trước mắt, lại trở nên xa vời. Bởi nhiều người dường như quá chú trọng vào các thiết bị công nghệ mà ít khi đề cao việc tiếp xúc ngôn ngữ, chia sẻ cảm xúc đến với những người xung quanh.