Giải pháp đảm bảo an toàn Internet cho trẻ em

ngochuyen

Trẻ em những năm gần đây tham gia vào các hoạt động trên môi trường mạng Internet ngày càng thường xuyên hơn. Mục đích truy cập không chỉ có tính chất giải trí mà còn được khai thác phục vụ học tập hiệu quả, nhất là với trẻ lớn. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không được đến trường học trực tiếp nhưng vẫn phải đảm bảo việc học được liên tục thông qua các ứng dụng mạng thì trẻ có điều kiện và thời gian truy cập thường xuyên hơn tại gia đình.

 Như là một quy luật tự nhiên đối với tất cả mọi sự vật hiện tượng, Internet cũng có tác động đến trẻ em ở cả 2 mặt đồng thời là mặt tích cực và mặt tiêu cực. Ở phía tác động tích cực, Internet cung cấp kho kiến thức khổng lồ sinh động dễ tìm kiếm phục vụ học tập, giải trí lành mạnh; cung cấp môi trường kết nối chia sẻ thông tin rộng khắp nhanh chóng tức thời. 

Ngược lại, ở phía tác động tiêu cực, Internet cũng là kho “rác” khổng lồ lẫn lộn gồm cả dữ liệu, thông tin xấu độc ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy và cả sức khỏe của trẻ em nếu không được bảo vệ. Đối tượng trẻ em có đặc điểm là đang trong quá trình hình thành nhân cách, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lừa bị dụ dỗ nghe làm theo, chưa đủ nhận thức, chưa được trang bị kỹ năng an toàn mạng,  

Vì thế trẻ em trở thành đối tượng dễ “tổn thương” nhất do tác động tiêu cực của Internet. Tình trạng trẻ em bị các tác động tiêu cực của Internet tấn công xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả để lại ngày càng tăng không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu một số nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ tham gia trên môi trường mạng, phân tích thực trạng biện pháp xử lý của các bậc phụ huynh và đề xuất một số giải pháp đảm bảo an toàn Internet cho trẻ em từ phía cơ quan nhà nước cũng như từ phía cha mẹ.

Các nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ sử dụng Internet

Rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em khi sử dụng Internet thực tế rất đa dạng nhưng có thể chia thành các nhóm chủ yếu sau đây:

Một là, nhóm nguy cơ bị lừa, bị lợi dụng dẫn đến bị đánh cắp thông tin cá nhân và gia đình, đánh cắp dữ liệu dùng vào các hành động phi pháp như mạo danh, bán hàng, lấy cắp tiền trong tài khoản, bôi nhọ uy tín, khống chế bố mẹ… Trẻ có thể bị lừa thông qua các các video, hình ảnh cắt ghép tự tạo, mạo danh bạn bè thầy cô cha mẹ, dụ dỗ bằng các món quà yêu thích, bằng lời hứa hẹn; hoặc cũng có thể bị lợi dụng do tò mò, thiếu hiểu biết truy cập vào các trang web, diễn đàn, đường link và vô tình làm lộ lọt thông tin, giúp cho tin tặc cài đặt các ứng dụng nghe lén, nhìn lén, phá hoại dữ liệu máy tính.

Hai là nhóm nguy cơ bị đe dọa, bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, gây tâm lý hoang mang để rồi từ đó lợi dụng, uy hiếp bắt ép thực hiện hành động phi pháp, học tập rèn luyện sa sút. Các hình thức có thể có như dọa đánh đập, dọa tẩy chay, dọa tiết lộ thông tin hay hình ảnh cá nhân nhạy cảm…

Ba là nhóm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thông tin thất thiệt, phim ảnh, trò chơi bạo lực khiêu dâm làm cho nhận thức lệch lạc, hành động bắt chước làm theo, phản khoa học và phản đạo đức, hung hăng hoặc ngại giao tiếp …

Bốn là nhóm nguy cơ bị bệnh, nghiện Internet sẽ dẫn đến các bệnh lý về cả tâm thần và thể chất. Đó là những bệnh tự kỷ ảo tưởng, ảo giác, tăng động hay các bệnh về mắt, cột sống, béo phì…

Thực trạng một số biện pháp xử lý của phụ huynh

Hiện theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến khoảng 750.000 người đang cố gắng tiếp cận trẻ em qua mạng với mục đích tình dục tại mỗi thời điểm và có đến 75% trẻ có tiếp xúc với nội dung phản cảm trên mạng xã hội. Còn ở Việt Nam theo một khảo sát nhanh cho thấy khoảng 53% trẻ em nữ và 65% trẻ em nam đã từng gặp bạn bè trực tuyến ở ngoài đời thực; có tới khoảng 75% phụ huynh được khảo sát không kiểm soát thời gian truy cập Internet của con và 66% phụ huynh chưa quan tâm đến việc con sử dụng mạng. 

Mặc dù có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng các số liệu trên cho thấy một thực trạng đáng lo ngại, cần phải hành động ngay. Trước tình trạng này các bậc cha mẹ đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho con như yêu cầu con chỉ được mở những trang mạng được cho phép, theo dõi lịch sử truy cập các trang mạng để nhắc nhở, ngăn chặn hay sử dụng ứng dụng công nghệ để quản lý một cách chuyên nghiệp.

Thông thường, khi nhận thấy các nguy cơ rình rập, cha mẹ thường lập tức có xu hướng ngăn cản, kiểm tra công khai, theo dõi bí mật, tra hỏi, kiểm soát mọi lúc mọi nơi có thể. Để tiện cho việc kiểm soát, nhiều gia đình đặt máy tính ở các vị trí dễ quan sát, nhiều gia đình hạn chế thời gian sử dụng và chỉ được sử dụng khi có sự giám sát của người lớn hoặc chỉ sử dụng khi được phép và phải có lý do. Gia đình không có điều kiện về thời gian thì kiểm tra lịch sử truy cập, truy hỏi lý do và áp dụng các hình phạt. 

Những giải pháp kiểm soát như trên chủ yếu mang tính chất tình thế, điều trị về triệu chứng là chính, chưa phải điều trị nguyên nhân. Bởi vì, không phải cha mẹ nào cũng có đủ kiến thức, kỹ năng để trực tiếp kiểm tra, kiểm soát trong khi trẻ em hiện nay (đặc biệt ở các thành phố lớn) tiếp thu, cập nhật rất nhanh công nghệ (nhiều em biết dùng mạng riêng ảo VPN để lách chính sách chặn tự động của các nhà mạng); không phải cha mẹ nào cũng có thời gian liên tục giám sát từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác và bản thân cũng bị áp lực khi liên tục phải nghe, nhìn màn hình của con. Nguy hại hơn, chính việc kiểm soát không đúng cách vô tình có thể tiếp tay hình thành tính dối trá ở trẻ (nói dối để được cho phép truy cập Internet) hoặc khiến trẻ trở nên đề phòng, ngại chia sẻ; việc sử dụng kể cả vào mục đích tích cực (như học tập, giải trí) cũng giảm hiệu quả khi trẻ luôn có cảm giác bị theo dõi.

Bên cạnh việc giám sát trực tiếp con cái, để tiến hành ngăn chặn những địa chỉ xấu độc mà trẻ có thể gặp phải trên Internet như một số trang web, youtube có chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm trước khi trẻ nhìn thấy chúng, nhiều bậc phụ huynh đã phải “cầu cứu” đến các ứng dụng. Có thể nói các ứng dụng khi được cài đặt trên điện thoại, máy tính của cha mẹ hỗ trợ được khá nhiều, giúp cha mẹ kiểm soát các con. 

Các phần mềm thường có các tính năng chủ yếu như quản lý việc con truy cập các ứng dụng, website trên các thiết bị thông minh (như smartphone, tablet, laptop, smart TV, PS Box…) theo nhu cầu; chặn các nội dung người lớn, bạo lực trên youtube và các website; lập thời gian biểu trong ngày, trong tuần cho việc truy cập Internet, truy cập các ứng dụng theo tùy chỉnh của cha mẹ; báo cáo thời lượng sử dụng Internet, thiết bị thông minh của trẻ; xác lập được quyền quản lý 24/7 trên máy của các con; định vị thời gian thực qua 3G/4G; thậm chí có thể chụp màn hình, ghi âm, theo dõi tin nhắn của con.

Các ứng dụng này hiện nay rất đa dạng, sử dụng nhiều công nghệ khác nhau gồm cả ứng dụng trong nước và nước ngoài, miễn phí hoặc có thu phí. Một số ứng dụng điển hình như PhotoDNA (ngăn chặn việc sao chép trái phép các bức ảnh nhạy cảm của trẻ thông qua chữ kí số ảnh), OpenDNS Family Shield (tự động chặn tên miền xấu độc ở mức router), Kidlogger (ghi lại lịch sử truy cập, các đoạn chat tên mạng xã hội, giới hạn thời gian sử dụng), Zoodle (cung cấp một cổng truy cập các tài nguyên an toàn), Kaspersky safe kids, Parental control, Youtube Kids, Google family link, Qustodio, Kidscontrol, MM Guardian hay trong nước như Kizpro của Mobifone, ứng dụng của SmallNET, ứng dụng “Tổng đài 111″… 

Thực tế, bên cạnh các ứng dụng thì ngay các hệ điều hành, các thiết bị cũng đã có sẵn một số chức năng giám sát, “khóa trẻ em” nhưng chưa được nhiều cha mẹ thiết lập để sử dụng (như khóa PIN trên smartphone, chức năng Guided Access có sẵn trên iOS và screen time trên iOS12, cài đặt quyền riêng tư trong Facebook, lưu lịch sử truy cập trong các trình duyệt).

Các ứng dụng quản lý trẻ sử dụng mạng cũng ngày càng được hoàn thiện, cập nhật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, sử dụng ứng dụng cũng có 2 mặt: Một mặt, ứng dụng giúp cha mẹ khá hữu hiệu trong việc kiểm soát về thời gian, ngăn chặn về nội dung, theo dõi con truy cập mạng để kịp thời uốn nắn, xử lý. 

Mặt khác, không thể giao phó hoàn toàn cho các ứng dụng vì không có ứng dụng nào có thể giám sát một cách triệt để được 100%, trẻ vẫn có thể sử dụng máy khác của bạn bè, người thân hay từ các quán Internet cà phê chẳng hạn. Hơn nữa, việc bị theo dõi khiến trẻ thu mình, cảnh giác không muốn chia sẻ với cha mẹ hoặc bị cấm đoán khiến trẻ bị kích thích, có tâm lý tò mò muốn khám phá bằng được, khi đó tác dụng của việc sử dụng ứng dụng công nghệ không còn nhiều. Vấn đề ở đây là lựa chọn công nghệ phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng gia đình (như tài chính, thiết bị), từng lứa tuổi, mức độ kiểm soát phù hợp mà vẫn đảm bảo không gian riêng cho trẻ.

Đề xuất một số giải pháp đảm bảo an toàn Internet cho trẻ em

Thực tế đây là một vấn đề nan giải không chỉ ở nước ta mà ngay cả ở những nước phát triển, cần sự phối kết hợp của cả chính quyền, nhà trường và gia đình vì thế hệ tương lai của đất nước.

Từ góc độ quản lý nhà nước (QLNN) nói chung, các chính sách liên quan đến truy cập Internet an toàn cho trẻ em đều phải được đánh giá kỹ lưỡng ở cả 2 góc độ tác động tích cực và tiêu cực đến trẻ em, học sinh ở các hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Trước tiên, cần bắt đầu từ tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, phổ biến kiến thức kỹ năng cơ bản an toàn mạng đến toàn xã hội, ở đó có cả cha mẹ và trẻ em. Cơ quan chuyên môn QLNN về an toàn, an ninh thông tin cần chủ trì việc này, từ đó các cấp, các ngành theo từng phạm vi quản lý có cơ sở triển khai tiếp, phù hợp với đặc thù riêng của mình. Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện thông qua các hoạt động nhà trường, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thông qua các hoạt động ngoài nhà trường, Trung ương Đoàn thông qua hoạt động đoàn đội, hội… tất cả tạo nên sức mạnh cộng hưởng, tạo môi trường an toàn chung.

Các ứng dụng hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát hoạt động của trẻ trên Internet, nhất là ở lứa tuổi nhỏ. Tuy nhiên, các ứng dụng loại này hiện nay rất đa dạng, các gia đình không có đủ chuyên môn, không có đủ thời gian để có thể tìm hiểu, đánh giá, lựa chọn sử dụng phù hợp trong khi các quảng cáo thường thổi phồng công dụng, chức năng để bán hàng. Do vậy, cơ quan QLNN chuyên ngành cần có hướng dẫn các tiêu chí đánh giá, khuyến cáo danh sách các ứng dụng kèm theo các thông tin về bảo mật giúp cho người dân, các bậc cha mẹ dễ dàng lựa chọn sử dụng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể về kinh phí, nhu cầu quản lý. Song song với đó là các chính sách quản lý, kiểm định chất lượng đối với các nhà sản xuất, phân phối ứng dụng an toàn Internet cho trẻ em trước khi bán ra thị trường đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Từ góc độ cha mẹ, cần phải nhìn nhận mặt tác động tiêu cực của Internet đối với trẻ em là hiển nhiên, chỉ có cách phải đối mặt để đặt quyết tâm cao; phải xác định rõ trách nhiệm của gia đình, không thể giao phó hoàn toàn cho xã hội, nhà trường mà cần phối hợp để hướng dẫn, quản lý con trẻ, đặc biệt là trong những khoảng thời gian ở nhà; cuối cùng, cha mẹ cũng cần chủ động tìm các giải pháp, không chờ đợi hoặc ỷ lại vào nhà trường, thầy cô giáo.

Chủ động giáo dục nâng cao nhận thức, nguy cơ tiềm ẩn, cảnh giác truy cập Internet cho con trẻ, tránh những nhận thức sai lầm của con (như ở trên mạng thì không ai biết mình là ai, chỉ xóa đi là không ai biết…).

Chủ động hướng dẫn, trang bị kiến thức kỹ năng cần thiết, kỹ năng sống trên môi trường mạng và thống nhất với trẻ một số nguyên tắc sử dụng an toàn.

Kiểm soát, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (qua ứng dụng) việc thực hiện, sử dụng Internet của trẻ để có thể can thiệp, điều chỉnh hoặc xử lý nếu xảy ra vấn đề một cách kịp thời.

Trên thực tế không phải cha mẹ nào cũng đã có đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng, đủ thời gian để hướng dẫn con. Trong trường hợp này các bậc phụ huynh – với kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống của mình được tích lũy sẵn – cũng cần phải tự tìm hiểu, tự học tập qua các hình thức khác nhau để có thể hướng dẫn con hoặc có thể tìm đến các chuyên gia, gửi con tham gia các khóa học kỹ năng sống trên mạng. Theo đó, kết hợp các giải pháp trên, khi trẻ lớn hơn, nhận thức, kiến thức, kĩ năng tốt hơn thì sẽ tự cập nhật, tự miễn dịch với các tác động tiêu cực của môi trường mạng một cách bền vững.

Trên đây, bài viết đã phân tích các rủi ro tiềm ẩn khi trẻ em “sống” trên môi trường mạng, phân tích các biện pháp xử lý của một số gia đình trước nguy cơ có thể xảy ra với con trẻ, từ đó đề xuất một số giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước và góc độ gia đình giúp đảm bảo an toàn Internet cho trẻ một cách bền vững. Các giải pháp cho phụ huynh cần tiếp tục được nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cẩm nang hướng dẫn chi tiết, theo từng bước để có thể thực hành được ngay trên thực tế.

Bình luận

Leave a Reply

Tin nổi bật

Giải pháp đảm bảo an toàn Intern...
87 Views • 22 phút đọc