Mạng xã hội – sự kết nối hay khoảng cách trong gia đình?

ngochuyen

Mạng xã hội phát triển giúp mọi người dễ dàng liên hệ, kết nối với nhau. Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội đang gây lãng phí thời gian của nhiều người, nhất là thời gian dành cho gia đình. Thực trạng này đang ngày càng phổ biến và đáng lo ngại.

Internet – khoảng cách vô hình

Cứ sau bữa ăn tối, gia đình ông Lê Văn Thành, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) quây quần uống trà, xem thời sự trên tivi. Những lúc như thế là dịp để gia đình ông chia sẻ nhiều vấn đề với nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của cách đây nhiều năm trước. Còn hiện tại, mọi thứ đã khác rất nhiều.

Theo ông Thành, thời gian gần đây, internet, điện thoại thông minh trở nên phổ biến. Vì khoảng thời gian của mỗi người dành cho nhau càng ít đi. Về tới nhà, cứ mỗi người cầm một chiếc điện thoại lướt và bấm.

Cháu ông Thành đang học lớp 7, trước đây thường nói chuyện, chia sẻ với ông bà. Còn bây giờ, có khi ông bà hỏi cũng chẳng ngẩng mặt lên khỏi chiếc điện thoại.

“Cơm nước xong, con cái, bố, mẹ mỗi người một cái smartphone đắm chìm vào thế giới riêng của mình. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, vợ với chồng cũng bị giảm đi”, ông Thành ngậm ngùi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lý, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) cũng chịu cảnh tương tự. Đứa con lớn đang học lớp 10, cứ đi học về là chui vào phòng xem Tiktok, Youtube…

Nhiều khi cháu úp tai nghe nhạc, đến bữa bố mẹ gọi xuống ăn cơm còn chả thấy thưa. Chỉ có cách là nhắn con trên Facebook hoặc Zalo thì cháu mới trả lời.

“Nhiều trẻ em bây giờ không còn muốn giao tiếp ngoài đời thực nữa mà chỉ chúi mũi vào facebook thôi. Tính ích kỷ cá nhân và sự kết nối tình cảm với người thân cũng không được như thế hệ của mình”, chị Lý chia sẻ.

Hạnh phúc ảo

Sự bùng nổ của mạng xã hội làm gia tăng các mối quan hệ, hạnh phúc ảo. Nhiều gia đình kết nối với nhau bằng chat, tin nhắn, bằng điện thoại nhiều hơn nói chuyện trực tiếp.

Mặc dù, cách nhau chỉ vài chục cây số, nhưng đã vài tháng nay, bà Bùi Thị Lan, xã Nâm Jang (Đắk Song) chưa được gặp các cháu. Hàng tuần, bà vẫn nói chuyện qua facetime với các cháu, nhưng cảm giác vẫn không đủ.

“Cảm giác chỉ nhìn tụi nó qua màn hình nhỏ xíu, tôi thấy nó cứ không chân thực. Với lại, tụi nó chỉ lựa chuyện gì vui vui kể mình nghe, chứ mấy chuyện buồn hay khó khăn trong cuộc sống, tụi nó giấu hết”, bà Lan cho biết.

Mạng xã hội bùng nổ tạo không gian rộng mở hơn đối với cá nhân, nhưng thu hẹp đối với gia đình.

Còn đối với anh Đào Văn Nhân, ở Gia Nghĩa, không nhớ rõ lần gần nhất mình ngồi tâm sự với mẹ là khi nào. Anh kể, từ bé đến lúc vào Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi học, vui buồn gì cũng kể mẹ nghe. Đến khi đi làm, xung quanh có thêm nhiều mối quan hệ, sự bận tâm…

Từ lúc nào không biết, những cuộc gọi cho mẹ hay những chuyến về nhà, đã vắng dần. Những câu chuyện thủ thỉ mẹ con như trước đã lâu lắm rồi không còn nữa. “Có gọi điện hỏi thăm cũng không gì khác ngoài những câu cũ kỹ hay lặp lại theo vô thức”, anh Nhân tâm sự.

Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến một phần nhỏ đắm chìm trong thế giới ảo. Điều này tạo nên một thế giới phẳng. Đây chính là nguyên nhân khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người thực sự bị đảo lộn.

Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, đạo đức vợ chồng, tình thương yêu anh chị em… đã bị suy giảm. Không gian rộng mở hơn đối với cá nhân, nhưng thu hẹp đối với gia đình.

Cần nhiều hơn sự kết nối

Phải khẳng định rằng, gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội. Đây là nơi gắn kết các thế hệ, phát huy những chuẩn mực, giá trị văn hoá.

Trước sự tác động của cách mạng 4.0, nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị gia đình. Để phát huy giá trị gia đình, cần nhiều hơn những kết nối, sẻ chia.

Theo chị Nguyễn Thị Lê Na (Gia Nghĩa), mỗi người chúng ta phải xác định rõ mạng xã hội chỉ là một kênh tham khảo thông tin chứ không phải là môi trường sống. Mỗi người cần biết sắp xếp, cân bằng thời gian hợp lí giữa cuộc sống thực và “cuộc sống ảo” trên mạng xã hội.

“Gia đình cần tổ chức những chuyến đi chơi. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình giao lưu, trò chuyện cùng nhau, tương tác trực tiếp để thấu hiểu nhau hơn”, chị Lê Na chia sẻ.

Chị Lê Hằng Nga (Gia Nghĩa) nêu quan điểm, để vun đắp gia đình, các cá nhân không nên tập trung sự quan tâm vào công việc, bạn bè ảo. Các thành viên cần chuyển sự quan tâm để cùng nhau trò chuyện, tham gia các hoạt động chung.

“Mỗi một cá nhân cần có quan hệ ứng xử trên dưới rõ ràng. Thế hệ con cái tôn trọng và có hiếu với ông bà, bố mẹ. Vợ chồng yêu thương chung thuỷ, anh em đùm bọc lẫn nhau”, chị Nga cho hay.

Ngoài ra, khi trong gia đình không may xảy ra mâu thuẫn, mỗi người hãy đặt mình vào vị trí của người kia để thấu hiểu nhau hơn.

Các thành viên trong gia đình cần thể hiện quyền bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Sự sẻ chia, quan tâm, bình đẳng giữa các thành viên trong cuộc sống mới chính là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc bền vững.

Bình luận

Leave a Reply

Tin nổi bật

Mạng xã hội - sự kết nối hay kho...
121 Views • 9 phút đọc